Gỡ khó bài toán “Chuyển đổi số” cho doanh nghiệp
adminquantri
0 Bình luận
12/09/2022
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần được tháo gỡ.
Khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp cả nước nhưng lại là nhóm gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số nhất do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa chưa cao.
Tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Bùi Thu Thuỷ – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp đã chỉ ra 4 thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt:
- Thứ nhất, chi phí đầu tư cần thiết cho chuyển đổi số cao;
- Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin của DN còn hạn chế, trong khi đó xu hướng công nghệ cập nhật, đổi mới liên tục, tâm lý ngại đổi mới của doanh nghiệp;
- Thứ ba, quy trình tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, quản lý chuỗi cung ứng chưa chuẩn hóa, thiếu chiến lược và nhân sự xây dựng quy trình vận hành chuẩn;
- Thứ tư, nguồn nhân lực chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu tiếp cận kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cũng như linh hoạt trong điều chỉnh văn hoá tổ chức, nhận thức về chuyển đổi số.
Ngoài ra, việc huy động vốn cũng là một trong những rào cản của doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát, các doanh nghiệp SME khó có thể huy động vốn theo phương pháp truyền thống do năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao, hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bạch chứng từ và báo cáo tài chính. Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.
Làm sao để tháo gỡ rào cản chuyển đổi số?
Bàn luận về sự thay đổi trong cuộc đua hướng tới số hóa của các doanh nghiệp thời gian qua, ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho biết:
“Tự bản thân doanh nghiệp nhận thấy rằng trong bối cảnh công nghệ 4.0, Covid-19 thì không thể không chuyển đổi. Trước đây chỉ có 30-40% doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số thì nay tỷ lệ này nâng lên 90%.
Chính doanh nghiệp cũng hiểu rằng việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển”.
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, nhanh chóng, ông Mạc Quốc Anh cho rằng các ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ phải đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường lớn cho áp dụng ứng dụng nền tảng số của Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp công nghệ số phải nắm bắt nhu cầu, giới thiệu được những tiện ích để họ tham gia bên cạnh sự tuyên truyền và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trong những năm qua, vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp luôn được Chính phủ đề cao và tập trung thực hiện.
Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số với các nước phát triển trên toàn thế giới: tăng cường hợp tác chuyển đổi số, kinh tế số với Anh, Tăng cường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giúp gần 400.000 doanh nghiệp tiếp cận được các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc.
Chia sẻ