Giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp hậu Covid

Giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp hậu Covid

adminquantri

0 Bình luận

14/09/2022

Thiếu vốn, không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp. 

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã tổng hợp ý kiến, tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội trong nửa đầu tháng 8 về những khó khăn, thách thức liên quan đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Báo cáo cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi. Hầu hết doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn lớn về tài chính bởi nhiều lý do.

  • Đứng đầu các khó khăn liên quan đến tài chính là thiếu vốn lưu động.

“Do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu, nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu”, Ban IV giải trình trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

  • Thứ hai trong danh sách là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng thêm áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã rất cao trong hơn hai năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.

  • Nhóm khó khăn thứ ba là số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm.

Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

  • Nhóm thứ tư là khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Theo Ban IV, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên. 

Cùng với đó, dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện để tiếp cận nguồn vay. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại hiện cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Làm thế nào để “giải cơn khát vốn” cho doanh nghiệp?

Thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Theo Ban IV, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng. Nếu không trong năm tới rất có thể các doanh nghiệp này đối mặt với nguy cơ phá sản từ đó kéo theo suy thoái của nền kinh tế.

Ban IV cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ giúp giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Đồng thời, đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho phục hồi nền kinh tế.

Ngoài ra, Ban IV đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản, bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Bàn luận về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia kiến nghị:

Đối với cơ quan chức năng, cần nắm sát tình hình, diễn biến quốc tế và trong nước. Điều hành thận trọng nhưng chủ động, linh hoạt, nghệ thuật, khôn khéo theo hướng: “kiến tạo, hỗ trợ phục hồi, phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro”; phối hợp chính sách tốt hơn nữa nhằm thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất phù hợp…v.v.

Chú trọng cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công ; có giải pháp khơi thông vốn tín dụng, vốn trái phiếu, quỹ đầu tư, thị trường mua – bán nợ, vốn đọng trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản….một cách hợp lý, lành mạnh, hiệu quả; đây cũng là giải pháp tốt nhất để huy động nguồn lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, cần lưu tâm, tìm hiểu và sử dụng Chương trình phục hồi ; linh hoạt, đa dạng hóa các kênh huy động vốn (ngoài vốn tín dụng, có thể phát hành trái phiếu, cổ phần, quỹ đầu tư, kênh thuê tài chính…).

Cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn, thiện chí hơn, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện đầy đủ các cam kết; chuẩn hóa đội ngũ quản lý (gồm cả chuyên viên tài chính, thuế…); huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; quan tâm quản lý rủi ro lãi suất, tỷ giá, tài chính…v.v.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận