WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới

adminquantri

0 Bình luận

19/08/2020

(TBTCO) – Kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Cuối tháng 7, WB công bố báo cáo Điểm lại – một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, với chủ đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?”.

GDP năm 2020 được dự báo đạt 2,8%

Theo ông Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. Thành tựu trên đã được báo chí trong nước và quốc tế cũng như nhiều tổ chức quốc tế như WB đề cập nhiều lần.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới

Ông Jacques Morisset cho rằng, Việt Nam là quốc gia hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ Covid-19. Ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% – mặc dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Nhìn cụ thể vào từng ngành, có thể thấy ngành nông – lâm – ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng 1,2%, đóng góp được 11,9% cho tăng trưởng kinh tế tổng thể, ngành công nghiệp tăng trưởng 3,0% (tương đương với mức đóng góp 73,1%), còn ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 0,6% (tương đương với mức đóng góp 15,0%). So với các mức bình quân trong thời gian qua, ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực lớn hơn (với mức đóng góp giảm 6,3% so với năm trước), còn ngành nông nghiệp lại tương đối được miễn nhiễm với mức đóng góp cho tăng trưởng GDP không thay đổi theo thời gian.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp. Việt Nam đã thể hiện khả năng ứng phó với tác động của Covid-19 trên các cân đối kinh tế đối ngoại, thông qua duy trì được thặng dư thương mại và thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào, mặc dù xuất khẩu có bị chững lại trong những tháng gần đây.

Mặc dù cân đối tài khóa có xấu đi do thu ngân sách giảm, nhưng Chính phủ có khả năng chịu được cú sốc nhờ có dự trữ được tích lũy và sử dụng các nguồn vốn dự phòng, hạn chế phải sử dụng vay nợ mới.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới

 

Báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Theo bà Stefanie Stallmeister – quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, kết quả dự báo trên cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.

Cần động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục

Theo các chuyên gia WB, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia – sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước – khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập nhiều hơn so với nông dân.

Theo bà Stefanie Stallmeister, để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng. Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai.

Cần động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục

Báo cáo khuyến nghị ba biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bao trùm trước đó, cụ thể:

Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào du khách và đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Chính phủ có thể cân nhắc chủ động thỏa thuận với các quốc gia “an toàn” để thống nhất về cơ chế đi lại chung và/ hoặc cân nhắc kế hoạch cho phép, thu hút khách du lịch cao cấp có thể chi trả cho các chuyến bay thuê bao/thương mại đắt tiền và toàn bộ chi phí liên quan đến kiểm dịch và/hoặc biện pháp y tế dự phòng sau khi nhập cảnh Việt Nam. “Tuy nhiên, tất cả những cân nhắc này phải hết sức thận trọng vì chúng tôi cho rằng, cứu giúp nhân mạng quan trọng hơn cứu giúp việc làm” – ông Morisset nhấn mạnh.

Biện pháp tiếp theo là tập trung vào chính sách tài khóa – công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.

Hướng hành động thứ ba là hỗ trợ có mục tiêu khu vực tư nhân phục hồi, nhưng các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Hỗ trợ có mục tiêu vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi Covid giống nhau. Trong đó, cần đặc biệt chú ý những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

Ông Morisset cũng cho rằng, Việt Nam cũng có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, đang được đẩy nhanh bởi Covid-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Tương tự, Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế “không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước./.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận