
Thương mại điện tử tăng đột biến trong đại dịch Covid
adminquantri
0 Bình luận
09/05/2022
Nhiều ngành, lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc dù Covid-19 tác động mạnh, hứa hẹn thu hút đầu tư thời gian tới.
Sau những tác động mạnh và đa chiều từ đại dịch Covid-19, với những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ từ nhu cầu-thị hiếu tiêu dùng, một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc như: y tế, giáo dục, và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, với mức tăng lần lượt là 1016%, 526% và 205% vào năm 2021.
Tuy nhiên, thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến vẫn là nhóm ngành thu hút vốn đầu tư nhiều nhất bởi tiềm năng, triển vọng còn nhiều. Thông tin này mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Diệp – đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo khẳng định, bên cạnh yếu tố tác động khách quan từ đại dịch, vấn đề chính phải là khả năng nhìn nhận, nắm bắt cơ hội từ các cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
“Bình tĩnh nhìn nhận lại thì với những công ty số như chúng tôi thì Covid-19 vừa là thảm hoạ nhưng lại là cơ hội. Ví dụ trong nguy, nhiều ngành bị sụt giảm như du lịch, xem phim, ăn uống, thanh toán của những ngành này bằng 0 thì những phần thanh toán khác lại tăng đột biến. Lượng khách hàng thanh toán điện tử tăng đột biến, tăng trưởng không chỉ 100% mà là 1000%/ năm. Nếu không có Covid-19, phải 20 năm mới đạt được điều đấy. Người dùng tự nhiên nhận thức sử dụng và tất cả những rào cản trước đây trở nên nhỏ bé” – ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm tiêu dùng truyền thống sang TMĐT. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn, việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến. TMĐT đã trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm mô hình để tối ưu nguồn lực xuất khẩu linh hoạt.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy hoạt động TMĐT, các hình thức bán hàng trực tuyến (qua website/ứng dụng TMĐT; sàn TMĐT như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee…) nở rộ hơn bao giờ hết, lần đầu tiên, mua sắm hàng hoá qua TMĐT đã trở thành một phương thức phân phối chủ yếu, an toàn, phát huy hiệu quả ngay lập tức trong bối cảnh dịch bệnh, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm của người dân.
Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang có những bước hồi phục ấn tượng, sự bền bỉ của các doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, trên nền tảng chính sách vĩ mô và sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, nhiều nhà đầu tư tin rằng, Việt Nam đang và sẽ duy trì được sức hút với các nhà đầu tư, sớm trở thành trung tâm công nghệ trong khu vực./
Chia sẻ