Quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp – những điều nên biết
adminquantri
0 Bình luận
21/11/2019
Các cụ ta có câu “phi thương bất phú”, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của xã hội thì kinh doanh là một trong những hoạt động không thể thiếu. Ngày nay, các hình thức và ngành nghề kinh doanh mở rộng, doanh nghiệp mọc lên như nấm. Môi trường cạnh tranh ngày trở nên khốc liệt.
Nếu không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra thì khả năng bị loại khỏi môi trường kinh doanh là tất yếu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro tài chính.
Vậy làm thế nào để quản trị rủi ro tài chính hiệu quả?
Quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp là một vấn đề đáng được quan tâm
Thế nào là quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp?
Cùng với quản trị chiến lược, quản trị tác nghiệp thì quản trị rủi ro về tài chính ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu. Từ con mắt của các nhà quản trị tài chính thì rủi ro về tài chính doanh nghiệp chính là những rủi ro trong quá trình tài trợ và đầu tư quỹ của doanh nghiệp.
Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng không ổn định trong quản trị tài chính của doanh nghiệp. Để đối phó với các vấn đề về rủi ro tài chính, các doanh nghiệp bắt buộc phải nhận diện được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp hữu hiệu.
Rủi ro tài chính thường xuất phát từ các nguồn cơ bản đó là môi trường bên trong của doanh nghiệp (nội sinh); Môi trường ngành và môi trường kinh tế vĩ mô (ngoại sinh).
Trong đó, nội sinh gồm có: rủi ro thanh khoản và rủi ro phá sản.
Ngoại sinh gồm có: rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái, rủi ro tín dụng.
Phân loại rủi ro tài chính trong doanh nghiệp
Rủi ro hối đoái thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản. Dạng thứ nhất là rủi ro hối đoái nghiệp vụ. Nó xảy ra khi biến động tỷ giá đe dọa đến giá trị của các dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp. Dạng thứ hai là rủi ro hối đoái kinh tế. Trường hợp này xảy ra khi biến động tỷ giá gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp.
Các loại rủi ro tài chính phổ biến trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Cứ hoạt động kinh doanh là sẽ gặp rủi ro về tài chính. Các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp một số loại rủi ro về tài chính sau:
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản phát sinh trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu nó không được xử lý kịp thời sẽ làm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp không được duy trì. Trải qua nhiều giai đoạn như vậy sẽ dẫn đến rủi ro phá sản. Theo báo cáo tài chính doanh nghiệp thì hầu hết các ngành nghề ở Việt Nam đều tồn tại khả năng rủi ro thanh khoản.
Chỉ trừ một số ngành như chứng khoán, giáo dục, dầu khí, thực phẩm, phân bón, dịch vụ du lịch, công nghệ viễn thông là có hệ số thanh toán lớn hơn 1.
Khả năng thanh toán theo nhóm ngành kinh tế ở Việt Nam từ năm 2012 – 2016
Rủi ro phá sản
Theo các chuyên gia tài chính thì bất động sản là ngành có nguy cơ rủi ro phá sản cao. Mấy năm gần đây, các ngành như cao su, thủy sản, nhựa – bao bì cũng có xu hướng tăng rủi ro phá sản.
Rủi ro hối đoái
Mỗi một mô hình kinh doanh sẽ có đặc trưng về cấu trúc dòng tiền, cấu trúc vốn khác nhau. Điều này làm cho rủi ro hối đoái nghiệp vụ tác động tới doanh nghiệp theo nhiều hướng khác nhau. Một số doanh nghiệp có khả năng tự trung hòa rủi ro hối đoái do doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ lớn; hoặc có thu nhập bằng ngoại tệ do có dự án đầu tư tại nước ngoài.
Rủi ro hối đoái nghiệp vụ trong những năm gần đây không tăng. Tuy nhiên nếu xảy ra có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Hiện nay, lạm phát giữa đồng VND và USD có sự chênh lệch lớn, theo ngang giá sức mua thì VND được định giá cao hơn so với USD. Điều này làm tăng rủi ro hối đoái kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Rủi ro lãi suất
Hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều có rủi ro lãi suất cao, đặc biệt là thủy sản, giáo dục, hải sản, vật liệu xây dựng. Chỉ có một số ít ngành không có rủi ro lãi suất như ngành năng lượng và vận tải.
Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng trong những năm gần đây đã gây tổn thất nặng nề cho các nhà đầu tư. Khả năng thu hồi nợ của các doanh nghiệp rất thấp và là một trong những điều đáng quan ngại của các nhà quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp mà bất cứ một nhà kinh doanh nào cũng nên tìm hiểu. Với những rủi ro về tài chính như vậy, các nhà quản trị cần xác định được nguyên nhân và đưa ra được giải pháp hữu hiệu.
Khi đó sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Chia sẻ