Những quy định mới trong Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ tháng 01/2021
adminquantri
0 Bình luận
23/01/2021
Kể từ năm 2021, chúng tôi sẽ phát hành thêm bản tin CFO định kỳ mỗi tháng để cung cấp những thông tin hữu ích cùng các quy định, luật pháp mới nhất về tài chính – kế toán nhằm hỗ trợ công việc của CEO, CFO hay Kế toán trưởng doanh nghiệp.
Các quy định mới có hiệu lực từ tháng 01/2021
Không phải thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng
Theo quy định cũ tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ 01/01/2021 – ngày Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, trong Luật mới này còn một số thay đổi liên quan đến con dấu của doanh nghiệp như:
-
Ghi nhận dấu của doanh nghiệp dưới 02 hình thức là dấu được làm tại cơ sở khắc dấu và dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
-
Doanh nghiệp được quyền tự quyết với con dấu…
Các điều mới tại Luật Doanh nghiệp 2020 (thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020)
Bổ sung thêm một số đối tượng không được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Theo đó, các đối tượng không được thành lập hay quản lý doanh nghiệp bao gồm:
-
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
-
Người đang bị tạm giam;
-
Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
-
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” tại Luật Doanh nghiệp 2014.
Cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi trực tiếp lên công ty cổ phần.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo luật mới từ 01/01/2021
Đối với doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ đăng ký gồm:
-
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
-
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đối với công ty hợp danh, hồ sơ đăng ký gồm:
-
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
-
Điều lệ công ty.
-
Danh sách thành viên.
-
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
-
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, hồ sơ đăng ký gồm:
-
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
-
Điều lệ công ty.
-
Danh sách thành viên.
-
Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
– Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
– Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Đối với công ty cổ phần, hồ sơ đăng ký gồm:
-
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
-
Điều lệ công ty.
-
Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
-
Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
– Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
– Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Bổ sung quy định thực hiện quyền của chủ DNTN trong một số trường hợp đặc biệt
Theo đó, quyền và tài sản của chủ DNTN trong các trường hợp đặc biệt được thực hiện như sau:
-
Trường hợp chủ DNTN bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
-
Trường hợp chủ DNTN chết:
– Người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ là chủ DNTN theo thỏa thuận giữa những người thừa kế.
– Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể DNTN đó. -
Trường hợp chủ DNTN chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ DNTN được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
-
Trường hợp chủ DNTN bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
-
Trường hợp chủ DNTN bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp:
– Chủ DNTN tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
– Hoặc chuyển nhượng DNTN cho cá nhân, tổ chức khác.
Chia sẻ