Nelson Mandela- Bậc thầy về chiến thuật và 7 bài học lãnh đạo tuyệt vời
adminquantri
0 Bình luận
16/04/2020
Nelson Rolihlahla Mandela là cựu tổng thống Nam Phi và cũng là vị tổng thống đầu tiên được toàn quốc Nam Phi kể cả người Nam Phi da trắng và da đen bầu ra. Ông có thể được xem là một ông thánh ở cõi phàm, nhưng ông vẫn cho là ông tầm thường hơn thế nhiều: chỉ là một chính trị gia mà thôi.
Nelson Rolihlahla Mandela – Bậc thầy về chiến thuật
Sinh năm 1918, mất năm 2013, Mandela đã trải qua một thời gian dài đấu tranh bằng phương pháp bạo lực vũ trang để chấm dứt chế độ phân chủng tại Nam Phi. Vì những hoạt động này ông đã bị kết án tù chung thân và phải chịu sự giam cầm trong suốt 27 năm tại những nhà tù hắc ám nhất của Nam Phi. Sau này Mandela thay đổi chiến lược tiến hành đấu tranh bất bạo động và được trả tự do năm 1990.
Trong cuộc bầu cử đa đảng và đa chủng đầu tiên năm 1994, đảng ANC của Mandela đã giành thắng lợi, và ông trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử của nước Nam Phi. Mandela nhận được hơn 250 huy chương và giải thưởng cho những hoạt động của ông, kể cả giải Nobel Hòa bình năm 1993. Richard Stengel là nhà văn và ký giả đã cộng tác với Mandela để viết cuốn tiểu sử tự bạch”Bước Đường Tự Do” của Mandela.
Mandela là người mà thế giới có thể xem là một ông thánh ở cõi phàm, nhưng ông vẫn cho là ông tầm thường hơn thế nhiều: chỉ là một chính trị gia mà thôi. Ông đã lật đổ được chế độ Phân chủng và kiến tạo nên một nước Nam Phi dân chủ không phân biệt chủng tộc bằng sự phán đoán chính xác phải thay đổi những vai trò của ông vào lúc nào và như thế nào, [lúc thì] là một chiến sĩ, một nhà tử đạo, một nhà ngoại giao, và một nhà lãnh đạo tầm vóc quốc gia.
7 bài học về thuật lãnh đạo để đời của Nelson Rolihlahla Mandela
* Bài viết này được đăng trên Tạp chí Time, số ra ngày 9 tháng Bảy, năm 2008, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Mandela.
Mandela là người mà thế giới có thể xem là một ông thánh ở cõi phàm, nhưng ông vẫn cho là ông tầm thường hơn thế nhiều: chỉ là một chính trị gia mà thôi. Ông đã lật đổ được chế độ Phân chủng và kiến tạo nên một nước Nam Phi dân chủ không phân biệt chủng tộc bằng sự phán đoán chính xác phải thay đổi những vai trò của ông vào lúc nào và như thế nào, [lúc thì] là một chiến sĩ, một nhà tử đạo, một nhà ngoại giao, và một nhà lãnh đạo tầm vóc quốc gia.
1. Can đảm không có nghĩa là không biết sợ – Can đảm là truyền dũng khí “vượt qua nỗi sợ” cho kẻ khác
Trong thời gian hoạt động bí mật, Mandela cũng có nhiều phen sợ hãi, như trong phiên xử tại Rivonia, hay trong thời kỳ bị giam giữ tại nhà tù trên Đảo Robben. Ông nói “Dĩ nhiên là tôi sợ chứ!” Chỉ có những kẻ mất trí mới không biết sợ thôi. “Tôi không thể giả vờ là mình là người can đảm và có thể chiến thắng cả thế giới.” Nhưng là một nhà lãnh đạo, ta không thể để cho người dân biết được điều này. “Ta phải tạo ra một bộ mặt can đảm.”
Và đó chính là điều ông đã thực tập: làm bộ can đảm, và những hành động có vẻ “vô úy” ấy đã tạo niềm hứng khởi và dũng khí cho người khác. Đó là một vở kịch câm mà Mandela đã diễn xuất tuyệt hảo trên Đảo Robben, một nơi nổi tiếng là rùng rợn. Những tù nhân bị giam chung trên đảo nói rằng chỉ cần nhìn thấy Mandela bước quanh sân trại, ngực ưỡn thẳng đầy kiêu hãnh, cũng đủ để giúp cho họ thêm sức sống trong nhiều ngày. Mandela biết rằng ông là tấm gương cho người khác và đó cũng giúp cho ông sức mạnh để vượt qua nỗi sợ của riêng mình.
2. Lãnh đạo phải đi đầu – nhưng đừng để “hậu cứ” lại đằng sau
Mandela là một người khôn ngoan và kín đáo. Năm 1985 ông phải giải phẫu vì tuyến tiền liệt bị nở lớn. Khi trở lại nhà tù, ông bị giam riêng không cho ở chung với các bạn đồng tù nữa, những người đã ở chung với ông trong 21 năm. Họ phản đối trại giam về lệnh phân cách này. Nhưng, theo lời của Ahmed Kathrada, một người bạn thâm giao, Mandela đã nói với bạn tù là: “Các bạn, cứ từ từ. Biết đâu trong việc này lại chẳng có điều hay.
Điều hay xảy đến chính là việc Mandela tự ý tiến hành đàm phán với chính phủ phân chủng. Điều này là điều cấm kỵ bậc nhất của tổ chức Hội nghị Toàn quốc Phi Châu (African National Congress-ANC). Sau hàng bao thập niên tuyên bố rằng “tù nhân không thể đàm phán” và sau khi cổ võ cho đấu tranh vũ trang để lật đổ chế độ phân chủng, Mandela đã quyết định rằng bây giờ là đúng thời điểm để bắt đầu “nói chuyện” với những người đang thống trị và đàn áp mình.
Ramaphosa nói: “Ông ấy là một con người lịch sử. Tầm suy nghĩ của ông vượt xa chúng tôi. Ông luôn nghĩ đến hậu thế trong tư duy của mình: Thế hệ mai sau sẽ nghĩ thế nào về những việc ta đã làm?” Cuộc sống lao tù đã tạo cho ông khả năng có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Bắt buộc phải như vậy thôi, vì đi tù chung thân biết đến ngày nào được thả [mà nghĩ đến chuyện gần]. Ông không nghĩ theo ngày hay tháng, mà cả hàng thập niên về sau. Ông biết là lịch sử đồng hành với ông, và sự thành công là điều tất yếu; chỉ còn lại là vấn đề chừng nào và làm thế nào để đạt được sự thành công này. Ông thường nói, “về lâu về dài tình hình sẽ khá hơn.” Ông chấp nhận đấu tranh trường kỳ.
3. Lãnh đạo từ phía sau – và để cho người khác tưởng họ đang dẫn đầu
Mandela rất thích hồi tưởng lại thời thơ ấu và những buổi chiều chăn trâu nhàn hạ. Ông nói: “Bạn biết không, chăn trâu bạn phải chăn từ phía sau đàn.” Nói xong ông nhướng mắt nhìn xem tôi có hiểu được sự so sánh ấy không.
Khi còn là một đứa trẻ, Mandela chịu ảnh hưởng sâu đậm của Jonginbata, vị vua của bộ tộc Xhosa và là người đã nuôi dưỡng ông khôn lớn. Khi Jonginbata thiết triều, quần thần tụ tập thành vòng tròn xung quanh, và chỉ sau khi mọi người đã phát biểu, nhà vua mới bắt đầu lên tiếng. Mandela nói, công việc của nhà lãnh đạo không phải là bảo người ta làm gì mà là để tạo được sự đồng thuận. Ông vẫn thường hay nói: “Đừng có tham gia vào cuộc tranh luận quá sớm.”
Cái khéo của thuật lãnh đạo là phải để cho chính mình cũng được lèo lái. Mandela nói: “Điều khôn ngoan là làm sao thuyết phục người khác làm điều mình muốn và khiến cho họ nghĩ rằng đó chính là ý kiến của họ.”
4. Hiểu rõ kẻ thù – Và tìm hiểu xem họ thích môn thể thao nào nhất
Từ những năm trong thập niên 1960, Mandela bắt đầu học tiếng Afrikaans, ngôn ngữ của người Phi châu da trắng (Afrikaner), những người đã tạo ra chế độ phân chủng. Đồng chí của Mandela trong ANC vẫn thường chế giễu ông về điều này; nhưng ông muốn tìm hiểu quan niệm và triết lý sống của người Phi da trắng là gì. Vì ông biết rằng sẽ có một ngày ông phải hoặc là đấu tranh hoặc là đàm phán với họ, và ở trường hợp nào đi nữa, định mệnh của cả hai dính liền với nhau.
Việc học tiếng Afrikaans đối với Mandela hiểu rằng người da đen và da trắng Phi châu có chung một điều căn bản: Người da trắng Afrikaner tin rằng họ là người Phi châu cũng giống như người da đen Phi châu tin họ là người Phi châu.
Ông cũng biết rằng chính những người da trắng Afrikaner cũng là nạn nhân của thành kiến: Chính quyền nước Anh và những người di dân Anh quốc vẫn coi khinh những người da trắng Afrikaner. Họ cũng bị mặc cảm tự ti văn hóa tương tự như những người da đen.
5. Giữ bạn ở gần – và giữ kẻ thù gần hơn
Có nhiều người khách được Mandela mời tới nhà riêng ở Qunu, nơi ông lớn lên. Trong số những người này có những người Mandela thổ lộ với tôi là không thể hoàn toàn tin được. Nhưng ông vẫn mời họ ăn cơm, gọi điện thoại hỏi ý kiến, ca tụng và tặng quà cho họ. Mandela là người có sức hấp dẫn mạnh mẽ và ăn nói duyên dáng, và nhờ đó đã tạo được nhiều ảnh hưởng tới đối phương hơn là với đồng minh.
Mandela tin rằng ôm lấy đối phương là một cách để chế ngự họ: để họ ở ngoài vòng ảnh hưởng của mình còn nguy hiểm hơn nhiều. Mandela quý trọng sự trung thành, nhưng chưa bao giờ để cho sự trung thành trở thành một chướng ngại trong việc dùng người.
Mặt tiêu cực của sự lạc quan–Mandela là một người lạc quan–là quá tin người. Nhưng ông nhận thức được cách thức hữu hiệu nhất đối với những người ông không tin là trung lập hóa họ bằng sức hấp dẫn của mình.
6. Bề ngoài rất quan trọng, và luôn ghi nhớ phải tươi cười
Mandela là người đẹp trai, cao lớn, một võ sĩ quyền anh tài tử, đi đứng với một phong thái vương giả như một vị hoàng tử. Và anh ta có một nụ cười rực rỡ như ánh mặt trời ra khỏi đám mây.
Khi Mandela tranh cử chức tổng thống năm 1994, ông hiểu là biểu tượng cũng quan trọng như thực chất. Đối với những người Phi da trắng, nụ cười là biểu tượng của sự hỷ xả và sự cảm thông với họ. Đối với cử tri da đen, nụ cười này là biểu tượng của một “chiến sĩ hạnh phúc và vui vẻ” và chúng ta sẽ chiến thắng. Bích chương vận động bầu cử được ANC treo khắp mọi nơi chỉ đơn giản có in hình gương mặt và nụ cười của Mandela. Ramaphosa nói, “Nụ cười, chính là thông điệp của Mandela,”
7. Chấp nhận Bỏ cuộc cũng là lãnh đạo
Nói tóm lại, bí quyết để hiểu được Mandela nằm ở 27 năm ông chịu tù đày. Người thanh niên bước chân lên Đảo Robben năm 1964 là một người đầy tình cảm, bướng bỉnh, và dễ dàng nổi nóng. Người đàn ông bước ra khỏi nhà tù là một người trầm tĩnh và tự chế. Mandela không bao giờ và chưa bao giờ là người tự quan sát nội tâm của mình. Tôi thường hỏi ông là người đàn ông bước chân ra khỏi tù khác với người thanh niên bướng bỉnh khi bước chân vào tù như thế nào. Mandela ghét câu hỏi này lắm. Mãi cho đến một ngày kia ông mới nói: “Khi bước ra, tôi đã trưởng thành.” Không có điều gì hiếm hoi và quý báu cho bằng một người đàn ông trưởng thành.
Tham khảo thêm: 5 Lời khuyên về quản lý tài chính cá nhân của Tỷ Phú Lý Gia Thành
Tham khảo: Doanh nghiệp khởi nghiệp tỷ đô xây dựng từ vốn khởi đầu khiêm tốn
Chia sẻ