Năm 2025 – Kinh tế số chiếm 20% GDP

Năm 2025 – Kinh tế số chiếm 20% GDP

adminquantri

0 Bình luận

29/01/2021

I. Chuyển đổi số là gì? Vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.

Chuyển đổi số được hiểu là quá trình chuyển đổi trong tổ chức, cơ cấu doanh nghiệp từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại nhờ việc áp dụng một số công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), các giải pháp hỗ trợ Marketing Automation… Nhằm mục đích gia tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh, thúc đẩy mối quan hệ thân thiết với khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và tối ưu doanh thu hiệu quả.

Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng đối với hoạt động quản trị và vận hành doanh nghiệp:

– Chuyển đổi số giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp

– Thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp

– Tối ưu năng suất làm việc của nhân viên

– Gia tăng chất lượng sản phẩm

– Nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

II. Năm 2025 – Kinh tế số chiếm 20% GDP

Kinh tế số, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình những năm qua từ 25% – 30%/năm. Tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số, thương mại điện tử và sự mở rộng nhanh chóng của không gian mạng cũng đặt Việt Nam trước các khó khăn, thách thức trong phát triển. Hiện tại, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Thói quen giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn, làm tăng chi phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân. Nhận thức của người dân về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.

Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, nhưng thương mại điện tử hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, tranh chấp trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ. Đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt, chỉ liên lạc qua mạng, nên hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, quảng bá, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn thương mại điện tử nhưng đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử lại không có trụ sở ở Việt Nam. Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn. 

 

 

Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số, đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025, cần thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, tăng tốc trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế số nói chung, thương mại điện tử nói riêng. Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng nhái, hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước để đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Tăng cường quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại… Trong lĩnh vực truyền thông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế… Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính – ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo…

Các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng trong phát triển kinh tế đất nước. Từ góc độ quản lý nhà nước, cần xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Thông qua thiết lập một môi trường thể chế minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và bảo đảm sự phát triển kinh tế số đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra

Xem thêm về chuyển đổi số tại ĐÂY!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận