MUA BÁN DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN QUẢN TRỊ CÔNG TY (PHẦN II)

MUA BÁN DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN QUẢN TRỊ CÔNG TY (PHẦN II)

adminquantri

0 Bình luận

27/06/2018

Tiếp theo PHẦN I, mời các bạn cùng theo dõi phần 2 series bài viết Mua bán doanh nghiệp từ góc nhìn quản trị công ty ( Phần II )

[5] Bảo vệ cổ đông: Nguyên tắc đáng lưu tâm nhất trong quản trị công ty- đó là quyền cơ bản của các cổ đông- nhất là các cổ đông phổ thông nhỏ phải được đảm bảo. Những quyền ấy, về cơ bản bao gồm:

(i) quyền được có thông tin đủ, đúng, kịp thời

(ii) quyền được tự do chuyển nhượng cổ phần mà không bị làm khó dễ bởi thủ tục chuyển nhượng và đăng kí cổ phiếu

(iii) quyền được dự phần mua cổ phiếu phát hành thêm tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ với những điều kiện thương mại bình đẳng trong cùng loại cổ phần

(iv) quyền được dự họp hoặc ủy quyền dự họp các đại hội cổ đông

(v) quyền yêu cầu sử dụng các công cụ giám sát, thậm chí khởi kiện các lãnh đạo công ty nếu những người này có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ của người phản lý công ty.

Trong các vụ mua bán công ty thông qua phát hành thêm cổ phần, cần lưu ý giá và các điều kiện thương mại khi phát hành thêm cổ phần cần được bình đẳng trong cùng loại cổ phần.

Thêm nữa, các quy định về công bố thông tin về chuyển nhượng cổ phần theo Luật chứng khoán 2006 phải được tuân thủ. Đây là điểm rất then chốt, bởi thiếu thông tin kịp thời thì năng lực phản ứng của các cổ đông nhỏ hầu như rất thấp. Quyền được “bỏ phiếu” bằng chân- tức là rút khỏi công ty, của các cổ đông nhỏ hầu như khó thực hiện nếu các thiết chế giám sát thông tin không hiệu quả.

[6] Hội đồng quản trị có đủ quyền và có trách nhiệm: Nguyên tắc lớn thứ hai trong quản trị công ty là ban lãnh đạo, chủ yếu bao gồm các thành viên hội đồng quản trị, phải có đủ quyền và hành xử một cách có trách nhiệm đối với công ty.

Điều ấy có nghĩa rằng đại hội cổ đông chỉ nên là những người bỏ tiền đầu tư, việc sử dụng tiền ấy như thế nào nên dành phần lớn cho hội đồng quản trị đề xuất hoặc quyết định. Trong mua bán công ty, điều này liên quan đến việc giữ bí mật tình hình thương thảo với các đối tác là công ty mục tiêu. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc mỗi người một phiếu, phe thiểu số có thể cản trở đa số (chỉ cần 2/5 người chống lại là các nghị quyết của hội đồng quản trị không thể thông qua). Cũng như vậy, các thành viên ban kiểm soát đều có thể được tham dự các phiên họp của HĐQT, đều có quyền nhận tài liệu và phát biểu- họ chỉ không có quyền biểu quyết.

Nếu các thương vụ mua bán doanh nghiệp được đưa ra bàn luận ở HĐQT thì nguy cơ rò rỉ thông tin chắc là rất lớn; nếu ảnh hưởng của thương vụ đó tới các nhóm cổ đông khác nhau, thậm chí đối kháng nhau, thì tâm lý tranh chấp về quyền lợi giữa các nhóm cổ đông có thể làm cho những phiên họp của HĐQT hoặc đại hội cổ đông trở nên căng thẳng. Những điều nay về lâu dài chưa hẳn đã có lợi cho công ty và các cổ đông.

[7] Vai trò của các quy chế nội bộ: Từ thực trạng đó, xuất hiện một nhu cầu làm sao để các giám đốc vừa đủ quyền tự do thương thảo và hành xử một cách kín đáo, khôn ngoan, song cũng phải có trách nhiệm với công ty và không thể lạm dụng vị thế của mình để bóc lột công ty. Các nước khác hội đồng quản trị dành khá nhiều thời gian để thống nhất về các quy chế quản lý nội bộ (bylaw); trong khi cổ đông dành quyền chỉ định kiểm toán độc lập và quyền đề xuất các thành viên HĐQT (independent directors) nhằm cân bằng và chế ước quyền lực trong công ty.

Ở Việt Nam các công ty đã có Thư ký công ty hoặc thư ký HĐQT, nhiều công ty có ban pháp chế và thuê nhiều công ty luật tư vấn thường xuyên, song dường như quyền lực vẫn dồn khá lớn cho các chức danh Chủ tích HĐQT và TGĐ công ty; các quy chế giám sát nội bộ đối với hai chức danh này chưa thật phổ biến. Ban kiểm soát, nếu là người làm công và hưởng lương trong công ty, thì khả năng giám sát HĐQT rất thấp.

[8] Không chỉ thiếu luật- Thiếu cả động lực thi hành: Cơ quan nhà nước không nên quá bận tâm với việc hướng dẫn M&A phải nên như thế nào, quan bao nhiêu bước, với những thủ tục gì và được những ai cấp phép. Các giao dịch mua bán công ty về cơ bản là tự do khế ước, đã là khế ước thì các bên tự tìm thông tin, tự mặc cả giá thành, tự lo lấy thương vụ.

Nếu nhà nước quan tâm bảo vệ cổ đông nhỏ- thì phải chú tâm vào chất lượng, sự đầy đủ và kịp thời của các thông tin mà ban lãnh đạo công ty phải cung cấp cho Sở GDCK hoặc cơ quan nhà nước. Dù đã được quy định bởi LCK 2006, song việc thực thi còn rất uể oải, người vi phạm không bị xử phạt đúng mức và nghiêm khắc, sự coi thường và nhờn với pháp luật khó tránh khỏi.

Nếu nhà nước quan tâm đến bảo vệ cạnh tranh- tức là bảo vệ người tiêu dùng, thì quyền lực (năng lực, quyền điều tra, quyền truy xét, quyền ban hành các phán quyết có hiệu lực như bản án) của Cục quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh phải được thực thi. Điều này đáng tiếc còn rất ít được quan tâm; sự lũng đoạn của độc quyền của các tập đoàn nước ngoài và thậm chí của các tập đoàn quốc doanh tuy khó chống đỡ, song cũng không nên được hậu thuẫn thêm bởi nhà nước.

Nếu nhà nước quan tâm bảo vệ các chủ nợ và trật tự công, thì phải ưu tiên xây dựng một hệ thông đăng ký kinh doanh độc lập- chia sẻ thông tin mang tính quốc gia, không nên bị cát cứ bởi các Sở KHĐT các tỉnh. Có thể cần thảo luận thêm các thủ tục hành chính cần thiết để mua bán công ty nên được giới hạn bởi những thủ tục nào và các thủ tục ấy được thiết kế vì lợi ích của ai.

[9] Giám sát tự do khế ước- Xây dựng các thiết chế đáng tin cậy: Trong một vụ mua bán công ty, không ai giám sát ban lãnh đạo tốt hơn là chính các cổ đông; cảm nhận về độc quyền không ai nhạy hơn là người tiêu dùng. Nếu mua bán công ty là tự do khế ước- thì giám sát họ mạnh nhất là từ sức ép của các cổ đông. Những người ấy phải được đảm bảo tố quyền, tức là quyền được nại ra tòa án khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thủ tục nộp đơn, nghĩa vụ chứng minh và hiệu lực của bản án (class action) phải được thiết kế đơn giản hơn cho cổ đông và dồn nghĩa vụ gánh chịu án phí cũng như nghĩa vụ chứng minh cho các giám đốc. Chỉ khi ấy tòa án mới đáng tin cậy hơn đối với các cổ đông nhỏ. Nói cách khác, ngoài các thảo luận để sửa hoặc làm thêm luật cho hoạt động mua bán bằng những cải cách nhỏ, cụ thể, từng bước làm cho các thể chế này độc lập, chuyên nghiệp; giúp bảo vệ lợi ích công cộng một cách hiệu quả hơn.

Phạm Duy Nghĩa- 2009

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận