MUA BÁN DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN QUẢN TRỊ CÔNG TY (PHẦN I)

MUA BÁN DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN QUẢN TRỊ CÔNG TY (PHẦN I)

adminquantri

0 Bình luận

27/06/2018

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa là một chuyên gia về pháp luật ở Việt Nam, hiện là giảng viên của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright và Khoa Luật, trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, Ông công tác nhiều năm tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông là một trong những diễn giả của Diễn đàn M&A Việt Nam khi sự kiện được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2009. Trong hội thảo đó, ông đã tham gia bài tham luận Mua bán doanh nghiệp dưới góc nhìn quản trị công ty. Bài viết từ năm 2009 nhưng nhiều nội dung có giá trị sâu sắc đến thời điểm hiện nay.

[1] Dẫn nhập: Mua bán công ty đã xuất hiện và sẽ trở nên sôi động ở Việt Nam, nhất là khi các nhà đầu tư từ Trung Hoa đại lục rủng rỉnh tiền bạc bắt đầu nhòm tới các nguồn tài nguyên và kênh tiêu thụ ở Việt Nam.

Việc này gồm nhiều công đoạn, diễn ra bằng nhiều cách, với sự tham gia của nhiều lực lượng chuyên gia, trong đó chuyên gia pháp lý thường đóng những vai trò lớn trong xác định doanh nghiệp mục tiêu, nhận diện các yếu tố tạo nên giá thành, giúp thương thảo và thiết kế các hợp đồng cũng như làm thủ tục hành chính để hoàn tất việc mua bán.Tham luận dưới đây góp phần tìm hiểu và bàn luận một cách sơ lược về vài khía cạnh pháp lý có thể cần được lưu tâm trong quá trình mua bán công ty.

[2] Đối tượng mua bán: Trên thực tế các loại hình doanh nghiệp đều có thể được mua bán, thậm chí các quyền lợi trong các liên danh không hình thành nên doanh nghiệp. Tuy nhiên luật pháp không mấy quan tâm đến việc mua bán kiok trên chợ hay một cửa hàng của tiểu thương, kể cả việc mua lại DNTN, phần vốn trong hợp danh hay các công ty TNHH tư nhân.

Về cơ bản- quyền mua bán thuộc tự do khế ước; thuận mua vừa bán, miễn là không có những dấu hiệu làm cho việc mua bán có nguy cơ trở nên vô hiệu. Quan tâm của người làm luật tăng lên trong việc mua bán doanh nghiệp nhà nước- vì đó là bán của công cho tư nhân và mua bán các công ty cổ phần hoặc việc mua bán tạo nên sự lũng đoạn của độc quyền cản trở cạnh tranh bình thường.

Thường luật pháp không mấy quan tâm đến việc mua bán công ty phải diễn ra như thế nào- không Nhà nước nào có thể thông thái hơn giới doanh nhân, việc tính toán mua bán bằng cách nào là tự do của họ. Nhà nước hỉ quan tâm để bảo vệ những lợi ích nhất định, ví dụ:

(i) bảo vệ cạnh tranh

(ii) bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thôn tính bởi các tập đoàn nước ngoài

(iii) bảo vệ các cổ đông nhỏ có thể bị lừa gạt qua các cuộc mua bán

(iv) bảo vệ chủ nợ và người làm công trong công ty.

[3] Cơ sở pháp lý: Nếu nhìn nhận như vậy, việc mya bán công ty có liên quan đến nhiều thứ luật khác nhau, ví dụ:

(i) các quy định về cổ phần hóa, cho thuê và khoán kinh doanh DNNN

(ii) các quy định của pháp luật đầu tư- liên quan tới những điều kiện, bảo hộ, thủ tục và các hạn chế hay khuyến khích đầu tư

(iii) các quy định liên quan đến pháp luật hợp đồng

(iv) các quy định của Luật doanh nghiệp- liên quan tới thủ tục đăng ký lại, đăng ký bổ sung doanh nghiệp và bảo vệ chủ nợ hoặc cổ đông trong quản trị công ty

(v) các quy định của luật chứng khoán- đặc biệt liên quan đến nghĩa vụ minh bạch thông tin, bảo vệ cổ đông và giám sát của cơ quan nhà nước khi cần thiết

(vi) sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Khung khổ pháp lý cho những can thiệp này của Nhà nước đã tồn tại rải rác ít nhất trong 04 đạo luật, bao gồm: Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2006, Luật Cạnh tranh 2004. Cơ sở chung cho tự do khế ước có thể tìm thấy trong dân luật Việt Nam.

[4] Quan tâm của quản trị công ty: Mua bán công ty trở thành một mối quan tâm đáng kể trong quản trị công ty, nhất là khi thông tin về vụ mua bán bị rò rỉ ra bên ngoài, có thể ảnh hưởng rất trái chiều tới tâm lý các cổ đông và tâm lý những người lãnh đạo trong công ty.

Được thiết kế dưới nhiều hình thức, mya bán công ty có thể diễn ra với việc phát hành cổ phiếu mới, ưu tiên bán cho các cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ, ký kết các liên minh chiến lược, sáp nhập, trở thành hệ thống đại lý phân phối hay bao tiêu.

Về bản chất, mua công ty là giành lấy quyền kiểm soát quản lý nội bộ trong công ty mục tiêu, dù hình thức kiểm soát có thể rất khác nhau. Nếu mục đích thôn tính công ty có dấu hiệu thù địch, ví dụ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, chủ ý tạo thông tin giả để ép giá trong thương thảo… thì thương vụ mua bán công ty cần được quan tâm hơn bởi các quy định của luật cạnh tranh và luật chứng khoán.

Phạm Duy Nghĩa- 2009

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận