Kỳ tích sông Hàn: Từ quốc gia nghèo đói đến trở thành con rồng châu Á nhờ phát triển khoa học công nghệ
adminquantri
0 Bình luận
25/02/2021
Nhìn vào sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc hiện nay có lẽ không mấy người tưởng tượng ra rằng chỉ khoảng 30 năm trước đây, quốc gia này cũng là một đất nước nông nghiệp nghèo đói trở thành đất nước công nghệ và giải trí như hiện nay. Điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Bước ngoặt đột phá, đưa công nghệ trở thành mũi nhọn
Cách đây 30 năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo của châu Phi và châu Á. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, bằng sự đầu tư có trọng điểm và chọn lọc cùng quyết tâm cao của chính phủ, sự bứt phá về khoa học và công nghệ dẫn đến sự phát tăng tốc thần kỳ của Hàn Quốc khiến các cường quốc từ ngỡ ngàng đến thán phục.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc
Ông Sungchul Chung, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (STEPI), nhận xét Hàn Quốc đang là một trong những nước có nhiều thành công khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Theo số liệu của ông Chung, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 vào nghiên cứu và phát triển trên thế giới và đứng thứ 3 tại châu Á. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số lượng nghiên cứu viên lớn nhất tính trên một đơn vị việc làm. Nước này cũng có tỷ lệ đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển do các ngành công nghiệp thực hiện.
Tham khảo: Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ
Các chính sách phát triển
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách đầy táo bạo như Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông năm 1995; ra mắt kế hoạch tăng cường tin học hóa quốc gia (1996-2000); tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển vào công nghệ thông tin, trong đó hơn 30% chi tiêu của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển là vào công nghệ thông tin; tài trợ đối tác công tư về nghiên cứu và phát triển; ban hành luật tăng cường tin học hóa và thành lập ủy ban tăng cường tin học hóa năm 1996 do Thủ tướng chủ trì.
Tập trung vào công nghệ thông tin
Từ thập niên 1980, Hàn Quốc chọn tập trung vào công nghệ thông tin và áp dụng chiến lược dựa trên công nghệ thông tin để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Hàn Quốc chọn chiến lược phát triển này bởi những yếu tố sau: công nghệ thông tin phù hợp với Hàn Quốc vì tương đối thâm dụng kiến thức và đòi hỏi ít nguồn lực hơn trong sản xuất và bằng cách áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến, Hàn Quốc sẽ nhảy vọt về công nghệ.
Các chính sách khoa học – công nghệ chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật
Năm 1990, ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc bước vào đội ngũ các nước phát triển. Các chính sách khoa học – công nghệ chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học – công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông xây dựng, Bộ Môi trường, Bộ Y tế.
Năm 2016, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới”, do Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên làm đồng Chủ tịch. Mục tiêu của Hội đồng này là chuẩn bị một lộ trình sẵn sàng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc để có thể bắt kịp xu thế công nghiệp mới.
Thành tựu của Hàn Quốc sau khi phát triển khoa học công nghệ
Nhờ những chiến lược đó, Hàn Quốc đã vươn lên thuộc nhóm đi đầu công nghệ ở hai lĩnh vực là hệ thống viễn thông và hệ thống vận hành nhà máy. Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ chi 5.800 tỷ won (5,3 tỷ USD) cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong năm 2021, khi nước này đang thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ mới trong khuôn khổ chính sách kinh tế số mới (Digital New Deal) và các mục tiêu về trung hòa carbon.
Động lực “bùng nổ” kinh tế từ các tập đoàn công nghệ
Sự hỗ trợ của Chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng và gia nhập nhiều thị trường. Đây chính là công thức đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói. Sự phát triển mạnh mẽ của các chaebol góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh, trở thành một trong những nước công nghiệp mới của châu Á.
Tập đoàn Samsung
Samsung là tập đoàn đi đầu trong khối các chaebol Hàn Quốc, đóng góp lớn nhất vào cú lột xác ngoạn mục “Kỳ tích sông Hàn”. Năm 1969, công ty điện tử Samsung Electronics thành lập, đánh dấu sự chuyển mình của Samsung. Tập đoàn thành lập một số công ty con chuyên về lĩnh vực điện tử, sản xuất ra chiếc tivi đen trắng đầu tiên vào năm 1972 và sau này mở rộng ra các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và tivi màu, máy tính.
Năm 1977, Samsung thâu tóm công ty sản xuất chip điện tử, đặt nền móng cho quá trình lớn mạnh thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, tạo nền tảng cho hệ thống nhà máy điện thoại bàn, sau này là thoại di động. Công ty điện tử Samsung đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển.
Samsung trở thành nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992 và là nhà sản xuất vi mạch lớn thứ hai thế giới sau Intel. Năm 1995, Samsung sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên và chỉ trong 10 năm đã vươn lên thành nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới. Năm 1997, Samsung chính thức gia nhập thị trường điện thoại di động.
Năm 2005, Samsung Electronics vượt qua đối thủ Nhật Bản, Sony, lần đầu tiên được vinh danh là thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn lớn thứ 20 trên toàn cầu. Năm 2018, Samsung trở thành thương hiệu giá trị thứ 4 trên thế giới theo bảng xếp hạng của hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh – Brand Finance. Samsung Electronics đã trở thành một trong những biểu tượng của kinh tế Hàn Quốc.
LG Electronics
Một tên tuổi khác là LG. Trụ sở chính đặt tại Seoul, Hàn Quốc nhưng tầm hoạt động đã lên đến toàn cầu. LG Electronics tiền thân có tên là GoldStar được thành lập vào tháng 10 năm 1958 và được đổi tên chính thức thành LG Electronics vào năm 1995.
LG Electronics là công ty con có số lượng nhân viên đông nhất với 82 ngàn người làm việc tại 119 trụ sở và nhà máy trên toàn thế giới. Doanh thu năm 2014 đạt 55,91 tỷ USD. Tập đoàn này tập trung vào cách mảng: giải trí, kết nối điện thoại, ứng dụng trong ngôi nhà và giải pháp điều hòa không khí, ngoài ra còn có linh kiện xe hơi.
Tham khảo: 11 Công nghệ đáng gớm nhất trong tương lai
Tập đoàn SK
Đứng ở vị trí thứ ba là SK, xuất thân từ Tập đoàn Sunkyung. Sau khi mua lại một doanh nghiệp nhà nước là Công ty dầu mỏ Daehan năm 1980, doanh nghiệp này nổi lên trong lĩnh vực năng lượng và hóa học. Hynix là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn, được thành lập khi Công ty điện tử Hyundai mua lại Công ty chíp bán dẫn LG.
Dù tích cực đầu tư vào lĩnh vực chíp bán dẫn, song Hynix là một trong những công ty lớn phải nhờ Chính phủ Hàn Quốc giải cứu trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Lúc đó, tập đoàn SK đang dẫn đầu thị trường viễn thông trong nước đã quyết định mua lại công ty Hynix vào năm 2012. Trong thời kỳ hoàng kim của thị trường chíp bán dẫn hiện tại, Tập đoàn SK đang phát triển mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực ô tô, Hyundai đã tạo nên huyền thoại ô tô Hàn Quốc. Lịch sử của Hyundai với tư cách nhà sản xuất ô tô bắt đầu từ năm 1967. Công ty này đã ra mắt dòng xe ô tô tự chế đầu tiên của Hàn Quốc tên là “Pony” vào năm 1976, trở thành nước châu Á thứ hai sản xuất mẫu ô tô riêng. Ô tô Hyundai đã giúp Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc ô tô lớn trên thế giới.
Với tầm nhìn và những chính sách đổi mới về công nghệ đã đưa Hàn Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng ở khu vực. Đây là một hình mẫu để nhiều quốc gia khác học hỏi.
Nguồn: Smespeed.vn
Chia sẻ