Dòng tiền doanh nghiệp suy yếu, vì đâu?

Dòng tiền doanh nghiệp suy yếu, vì đâu?

adminquantri

0 Bình luận

04/08/2022

Trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng dòng tiền suy yếu, khiến quản lý tài chính rơi vào trạng thái bị động

Vậy nguyên nhân nào khiến dòng tiền trong doanh nghiệp suy yếu, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây

Dòng tiền doanh nghiệp 

Dòng tiền (Cash Flow) được hiểu là sự chuyển động tiền vào, ra của đồng tiền (tức là nhận và chi) trong một doanh nghiệp cửa hàng hay một dự án nào đó. Ví dụ: Khi doanh nghiệp bán sản phẩm và nhận tiền về thì đó là dòng tiền vào. Ngược lại, khi thanh toán các khoản chi phí thì đó là dòng tiền ra. Tạo ra dòng tiền dương ( tiền vào nhiều hơn tiền ra) là một mục tiêu mà các doanh nghiệp đều hướng đến. 

Những nguyên nhân khiến dòng tiền doanh nghiệp suy yếu? 

Quan điểm quản trị sai lệch

Trên thực tế, nhiều người chủ doanh nghiệp hiện nay đi lên từ nghề, giỏi về chuyên môn song lại yếu kiến thức về tài chính, chưa hiểu sâu về quản trị kinh doanh dẫn đến tình trạng kiểm soát tài chính lỏng lẻo, không minh bạch. Nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu có tính tự phát xuất phát từ một nền tảng nghề nghiệp của “ông chủ” hoặc tách ra từ mô hình thành công trước đó, nên quản trị tài chính cảm tính, thậm chí không biết phải quản lý công tác tài chính- kế toán- thuế như thế nào. 

Nhiều doanh nghiệp khi động tới tài chính, kế toán chỉ muốn né tránh, hoặc “phó thác” cho nhân viên kế toán mà buông lỏng quản lý. Điều này vô cùng nguy hiểm và luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Cộng với những biến động của thị trường, môi trường kinh doanh,  dòng tiền của doanh nghiệp vừa và nhỏ càng “teo đi” là vì thế. 

Ở hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không xây dựng các quy chuẩn và định mức về giao dịch thương mại, chiết khấu, quản lý công nợ, quy chuẩn thanh toán. Ở một số công ty có quy mô nhỏ hơn thì mọi việc từ đàm phán, ký kết hợp đồng, quản lý thanh toán và công nợ đều chỉ do giám đốc hoặc một vài người “thân tín” có quan hệ trong gia đình thực hiện. Với xuất phát là hệ thống tài chính và tín dụng công ty yếu kém, trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp chỉ còn biết dựa vào uy tín của cá nhân giám đốc. 

Không xây dựng quy chuẩn và định mức giao dịch thương mại

Các công ty nhỏ thì mọi việc đàm phán đều do giám đốc hoặc người thân tín có quan hệ trong gia đình chịu trách nhiệm. Hầu hết đều không dựa trên quy chuẩn và định mức giao dịch thương mại nhất định. Điều này gây khó khăn trong thu hồi công nợ, còn đối diện với rủi ro mất nợ, còn bị ép trong các thương vụ đòi hỏi hồ sơ thanh toán chặt chẽ…. và do đó, còn tiếp tục bị chiếm dụng tiền, còn tiếp tục bị động tài chính và phải dành nhiều thời gian cho việc “xoay sở” dòng tiền cho các khoản chi tiêu đến hạn.

Đuổi theo lợi nhuận, sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà

Nếu không phân tích và lập kế hoạch ngân sách khả thi từ trước, doanh nghiệp sẽ lao vào thương vụ với tình trạng “giật gấu vá vai”, điều đó dẫn tới trễ tiến độ, dẫn tới vi phạm hợp đồng, dẫn tới nhiều hệ lụy khác… và bắt đầu mất điểm với đối tác, khách hàng, chủ đầu tư. Một khi đã mất điểm tin cậy trong mắt đối tác, chuyện chậm được thanh toán hoặc rủi ro công nợ gần như doanh nghiệp nắm chắc trong tay. Ở một trường hợp khác, doanh nghiệp có khả năng mua trả chậm, huy động vốn vay thực hiện cho bằng được đơn hàng nhưng yếu kém trong nghiệm thu và thanh toán nợ phải thu thì ngay lập tức nhìn thấy mất cán cân thanh toán – “sử dụng quá mức đòn bẩy tài chính” hoặc vay tiền cho người khác tiêu.

Không lập kế hoạch ngân sách rõ ràng

Nhiều quyết định chi tiêu của doanh chủ không dựa trên kế hoạch tài chính – ngân sách, dẫn đến dùng tiền sai mục đích. Nhân sự quản trị công ty, doanh nghiệp thiếu hiểu biết về quản lý tài chính, không lập kế hoạch ngân sách nên “vung tay quá trán”, không điều chỉnh được dòng tiền.

Cách quản lý dòng tiền hiệu quả

Lập kế hoạch dòng tiền

Để nguồn tài chính trong doanh nghiệp được sử dụng một cách tối ưu nhất thì doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch dòng tiền định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. Kế hoạch cũng là cơ sở để doanh nghiệp kiểm tra, đánh giá được hiệu quả sử dụng tiền. Từ đó đưa ra được các biện pháp quản trị dòng tiền đúng đắn.

Đẩy nhanh vòng quay tiền

Để đẩy nhanh được vòng quay tiền thì một trong những biện pháp là doanh nghiệp phải giải quyết được hàng tồn kho, có như vậy mới tránh được tình trạng nguồn tiền bị ứ đọng. Giảm thiểu được hàng tồn kho còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí về nhân công và kho bãi, góp phần giúp nguồn tiền được sử dụng hiệu quả hơn.

Kiểm soát các khoản nợ phải thu và nợ phải trả

Nếu không quản lý tốt các khoản nợ phải thu thì doanh nghiệp sẽ dễ bị rơi vào tình huống mất tiền, gây trở ngại một phần đến kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của nguồn tiền trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ phải trả cũng là một khoản mà doanh nghiệp cần phải quan tâm để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của dòng tiền thì doanh nghiệp phải quản lý tốt các khoản nợ phải trả.

Sử dụng các công cụ giúp dự báo dòng tiền một cách chính xác

Dự báo dòng tiền chưa bao giờ là dễ dàng và thường phát sinh các sai lệch. Để dự báo dòng tiền một cách chính xác, các doanh nghiệp cần phải sử dụng các công cụ hỗ trợ. Các công cụ hỗ trợ sẽ giúp cho ra được kết quả sau khi đã tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của dòng tiền.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận