Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ Fred Burke đề xuất 10 vấn đề cải cách thủ tục hành chính (Phần 1)
adminquantri
0 Bình luận
06/06/2020
Tại hội nghị hiến kế cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức. Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Fred Burke đã đưa ra 10 vấn đề khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các đề xuất cải cách hành chính trong thời điểm hiện nay nhằm cải thiện tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp hậu Covid-19.
1. Nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong các dự án tại Việt Nam
Chúng tôi được biết trong Thông báo 118/TB-VPCP đề ngày 21 tháng 3 năm 2020 về việc “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19”, tại mục 5a của Thông báo nêu rõ “với các trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…), Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại Giao, Bộ Y Tế và các cơ quan liên quan thực hiện cấp thị thực (nếu cần) và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và được cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo đúng quy định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cần các chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài sang làm việc tại các dự án bệnh viện và năng lượng tại Việt Nam, các thành viên của chúng tôi không thể làm các thủ tục xin visa vào Việt Nam tại các cơ quan sứ quán, lãnh sự tại nước ngoài.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Fred Burke thể hiện mong muốn tha thiết được Chính phủ xem xét hướng dẫn các cơ quan Bộ ngành giải quyết hỗ trợ dịch vụ visa cần thiết để các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng năng lượng và y tế không bị gián đoạn trong thời gian tới.
Ngoài ra, một số thành viên của AmCham hiện đang ở ngoài Việt Nam có mong muốn sớm được quay trở lại đây. Họ đã bị chia cắt khỏi gia đình tại Việt Nam và có mong muốn được quay lại để làm việc. Những cá nhân này là “người cư trú” của Việt Nam, có giấy phép lao động và thẻ tạm trú. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định hạn chế đi lại và xác nhận rằng các doanh nghiệp tư nhân phải làm việc với các cơ quan thuộc Chính phủ để hỗ trợ người lao động và yêu cầu ngoại lệ để nhập cảnh. Yêu cầu bằng văn bản phải được nộp cho Bộ Y Tế, Bộ Ngoại Giao, Bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội, Bộ Công An, và cho Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh của tỉnh mà người lao động của công ty sẽ lưu trú. Cần phải làm rõ quy trình này, vì các cơ quan khác nhau có phản hồi khác nhau khi được hỏi về hồ sơ cần thiết. AmCham mong muốn làm rõ một số vấn đề sau:
- Chính xác là cần những gì?
- Cần phải gửi hồ sơ đến đâu?
- Ai cần gửi hồ sơ?
- Thủ tục chấp thuận sẽ kéo dài bao lâu?
- Giấy xác nhận âm tính với Covid-19 có giá trị trong vòng bao lâu?
- Các giấy tờ có cần phải được lập bằng tiếng Việt và/hoặc công chứng không?
- Yêu cầu “lấy được cam kết của đại sứ quán của lao động nước ngoài về việc thực hiện giám sát y tế đối với công dân của mình trong thời gian làm việc tại Việt Nam” không phù hợp với công dân Mỹ vì Đại Sứ Quán Mỹ không cấp loại thư này. Trong trường hợp này, có tài liệu nào khác có thể đáp ứng được không?
2. Đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế
Một hệ thống y tế vững mạnh là rất quan trọng để tiếp tục tăng trưởng nền kinh tế. Việt Nam phải tiếp tục cải thiện hệ thống y tế của mình để hệ thống có thể hỗ trợ một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Để đạt được điều này, Chính Phủ nên xây dựng quy định pháp luật một cách thận trọng để vừa khuyến khích đầu tư tư nhân vào ngành y tế, vừa duy trì một hệ thống y tế bền vững có lợi cho người dân.
2.1. Thiết bị y tế.
Việc đăng ký thiết bị y tế còn mất nhiều thời gian và chưa đồng bộ và phù hợp với các quy tắc, quy chuẩn của ASEAN. Chúng tôi đề xuất rằng Luật Quản lý Thiết bị Y tế mới nên được xây dựng phù hợp với nhu cầu mới và cụ thể của hệ thống y tế Việt Nam và các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có quy trình đăng ký thiết bị y tế phù hợp với các quy tắc, quy chuẩn của ASEAN.
2.2. Người hành nghề y nước ngoài.
Những người hành nghề y nước ngoài hiện được yêu cầu phải thành thạo tiếng Việt. Việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nên cho phép bác sĩ nước ngoài sử dụng phiên dịch khi thăm khám cho bệnh nhân Việt Nam thay vì yêu cầu buộc họ phải thành thạo tiếng Việt.
2.3. Ngành dược.
Thứ nhất, các yêu cầu mới đối với Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (“CPP”) theo Thông tư số 32/2018/TT-BYT còn nặng nề và có khả năng gây chậm trễ đối với việc đăng ký dược phẩm nhập khẩu mới và đã có giấy phép. Thông tư 32 có các yêu cầu rất cụ thể về CPP của dược phẩm và thành phần dược liệu, như tiêu chuẩn thành phẩm, tiêu chuẩn của tất cả các hoạt chất dược phẩm (“API”), tên, địa chỉ của tất cả các cơ sở sản xuất API, và những thông tin này không có trong mẫu do WHO khuyến nghị và được các cơ quan y tế trên toàn cầu áp dụng.
Chúng tôi đề xuất với Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh các yêu cầu về CPP của Việt Nam phù hợp với hướng dẫn và thông lệ quốc tế (như mẫu CPP của WHO), bằng cách điều chỉnh các quy định liên quan trong Thông tư 32 và loại bỏ, giản lược đi những thông tin bổ sung không được quy định trong mẫu CPP của WHO. Trong giai đoạn tạm thời, trước khi quy định sửa đổi có hiệu lực, chúng tôi đề xuất Bộ Y tế (BYT) chấp nhận việc nộp hồ sơ với CPP theo mẫu hiện tại do cơ quan quản lý y tế ban hành.
Thứ hai, Thông tư 32 đưa ra quy định về hồ sơ gia hạn visa. Nếu Giấy Đăng Ký Lưu Hành của thuốc không được gia hạn hoặc đăng ký lại, thuốc sẽ không được bán tại Việt Nam. Quy trình Đăng Ký Lưu Hành này yêu cầu các hồ sơ cung cấp thông tin phải được nộp và rà soát. Nếu visa không được gia hạn, giấy phép hiện tại sẽ hết hiệu lực và những thuốc quan trọng này sẽ không thể được cung cấp cho bệnh nhân.
Do khối lượng công việc hiện tại tại BYT và Cục Quản Lý Dược đang nhiều vì COVID-19 và do khối lượng hồ sơ khổng lồ, số hồ sơ yêu cầu gia hạn Giấy Đăng Ký Lưu Hành bị tắc nghẽn là rất lớn — hơn 700 giấy phép cho các sản phẩm từ các công ty đa quốc gia sẽ bắt đầu hết hiệu lực từ 01 tháng 07 năm 2020 đến 01 tháng 06 năm 2021; và có thể có hàng trăm giấy phép khác nữa. Chúng tôi muốn đề xuất rằng việc gia hạn visa tạm thời có thể được gia hạn thêm một năm để các sản phẩm bắt đầu hết hiệu lực từ 01 tháng 07 năm 2020 nhưng chưa được gia hạn vẫn có thể được cung cấp cho bệnh nhân tại Việt Nam, và thủ tục hành chính này có thể được nhanh hơn và bằng một cách nào đó đồng đều hóa để tránh những khoảng trống lớn về khả năng cung cấp các loại thuốc tại Việt Nam.
3. Thủ tục xin cấp phép đầu tư và kinh doanh
Các cơ quan và Chính phủ Việt Nam đã trở lại chế độ làm việc bình thường, tuy nhiên, các thủ tục hành chính tại các cơ quan khác nhau vẫn còn rất nhiều thách thức.
Thứ nhất, nhiều quốc gia nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước như Mỹ, Anh, Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, vẫn còn đang bị phong tỏa, và việc lấy các tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi từ các nước này đã và đang là một thách thức và điều này đã gây trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình là khoảng 2 tháng. Mặc dù đây không phải là vấn đề của Việt Nam, song vấn đề này đã và đang trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do thực tế rằng các cơ quan hành chính của Việt Nam không có sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính này.
Bên cạnh đó, hiện nay các cơ quan chức năng khác nhau chịu trách nhiệm về các khâu khác nhau trong thủ tục cấp phép tại Việt Nam không có đủ cơ sở dữ liệu chung hay phương thức phù hợp với nhau. Những cơ quan chức năng đó vẫn trao đổi thông tin qua bưu điện, và việc gửi thư giữa các tỉnh thành khác nhau có thể mất tới 1 đến 2 tuần trong thời gian của dịch COVID-19.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã áp dụng cách tiếp cận và xin các chấp thuận bằng văn bản về nguyên tắc từ rất nhiều Bộ trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà điều này có thể làm chậm lại quy trình cấp phép một dự án vào khoảng 4-6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Điều này là do các Sở KHĐT địa phương gửi hồ sơ đến một vài Bộ mà họ nghĩ có thẩm quyền quản lý Nhà nước (như bộ P. thường, Bộ TTTT, …), và chờ các Bộ này trả lời, trong khi các Bộ thỉnh thoảng lại đưa ra quan điểm rằng họ không có thẩm quyền chịu trách nhiệm về vấn đề được hỏi, chờ mất 6 thao và Du đó trả lời với Sở KHĐT để nói rằng Bộ không có thẩm quyền chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Quy trình xin ý kiến chấp thuận về nguyên tắc này rất không hiệu quả.
Đề xuất:
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, chúng tôi hy vọng Chính Phủ tiếp tục thực hiện xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan sẽ áp dụng cách tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam.
4. Cải cách thủ tục hành chính về Thuế và thương mại
4.1. Giấy phép nhập khẩu
Trong thời gian đại dịch COVID-19, nhiều công ty không nhập được thiết bị đúng thời hạn. Giấy phép nhập khẩu của một số công ty sẽ hết hạn trước ngày thiết bị được giao hàng. Sau ngày hết hạn, những thiết bị này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Việc không có được những thiết bị này sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của những công ty đó tại Việt Nam.
Chúng tôi đề xuất Chính phủ ban hành quy định để gia hạn giấy phép nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp có thêm thời gian để nhập khẩu thiết bị.
4.2. Chứng từ và thủ tục xuất nhập khẩu
Yêu cầu phải lưu một bản sao bằng bản cứng chứng từ xuất nhập khẩu làm tăng gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19. Thủ tục hải quan và thời gian thực hiện kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương sẽ có thể tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
5. Nền kinh tế kỹ thuật số
Một điều rất rõ ràng trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua do dịch COVID-19 khi nhiều người trong chúng ta làm việc tại nhà, đó là tầm quan trọng của công nghệ để duy trì năng suất cho công việc và giữ liên lạc với bạn bè và gia đình của chúng ta.
Bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng. Đại dịch COVID-19 tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của luồng dữ liệu miễn phí đối với hoạt động kinh doanh khi các cộng đồng bị cách ly, các cá nhân không thể di chuyển trong nội địa hay ra nước ngoài. Chúng tôi hy vọng rằng khi soạn thảo Nghị định thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Công an sẽ cân nhắc lại yêu cầu nội địa hóa dữ liệu và chỉ áp dụng yêu cầu này đối với các trường hợp, tình huống rất hạn hữu. Tương tự như vậy, dự thảo Nghị định về Bảo vệ Dữ liệu phải có cách tiếp cận cân bằng để có thể bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng cho phép sử dụng nếu được sự đồng ý và trong hoàn cảnh thích hợp.
Chữ ký điện tử. Mặc dù chữ ký điện tử đã được pháp luật Việt Nam công nhận từ năm 2005, do thiếu các quy định toàn diện và nhất quán trên thực tế, hiện vẫn chưa rõ về mức độ mà luật pháp và thực tiễn hiện hành điều chỉnh các giải pháp chữ ký điện tử hiện tại. Trong khi Thông tư số 16 /2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định các tiêu chuẩn bắt buộc để làm rõ hơn cho chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, chúng tôi hy vọng sẽ được làm rõ hơn về những giải pháp “chữ ký điện tử chưa đáp ứng yêu cầu” đã đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của Chính phủ. Việc làm rõ điều này sẽ cho doanh nghiệp bảo đảm cần thiết để bắt đầu triển khai các giải pháp chữ ký điện tử cho giao dịch tại Việt Nam.
Xem thêm:
Chia sẻ