5 bước chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp SME
adminquantri
0 Bình luận
21/09/2022
Chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp của Việt Nam hướng tới như một chiến lược chính để cải tổ, định hình hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chật vật tìm đường chuyển đổi số phù hợp.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Những “rào cản” trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp
Chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu là vậy, song hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với bài toán chuyển đổi số.
- Trở ngại về nhận thức, năng lực của doanh nghiệp
Việc có thể hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Do đó, việc quyết định thực hiện chuyển đổi số tất nhiên sẽ cần thời gian.
Ngoài ra, khi đã nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ. Sự hạn chế của doanh nghiệp xuất phát từ việc không chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ trong nội bộ còn yếu, tài chính hạn hẹp và những vướng mắc về pháp lý.
- Hạn chế về nguồn lực tài chính
Các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin như việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống.
- Khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn cồng kềnh
Mặc dù Chính phủ đã tăng cường Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021, các Ủy ban tương tự cũng được thành lập ở cấp tỉnh, tuy nhiên, ở khâu vận hành, các nhiệm vụ lớn trong chương trình chuyển đổi vẫn bị dàn trải, khiến cho công tác phối hợp và triển khai chính sách gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế đối với các doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào các công cụ số. Hỗ trợ từ khu vực công vẫn chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thay vì cho nâng cấp công nghệ và thương mại hóa công nghệ.
- Thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số
Môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn, ngoài chỉ số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ số khác còn rất hạn chế, cụ thể là: chưa có các định hướng công nghệ trọng tâm, mang tính thương hiệu của Việt Nam thông qua các dự án nghiên cứu và đầu tư lớn; doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang có mức đầu tư thấp vào phát triển khoa học và công nghệ đổi mới.
5 bước giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công
- Xác định thực trạng và mục tiêu chuyển đổi số
Trước khi thực hiện quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xác định và đánh giá được thực trạng về tất cả mọi mặt từ tài chính, nhân lực cho đến công nghệ, văn hóa doanh nghiệp.
Từ việc xác định và đánh giá, doanh nghiệp sẽ nắm rõ được khả năng thích nghi và điểm mạnh để tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Đồng thời sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện những điểm yếu để thực hiện hiệu quả hơn.
- Lên kế hoạch và các chiến lược chuyển đổi số
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, chủ doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích của việc chuyển đổi số, thời gian, tiến độ hoàn thành và cần có một bản kế hoạch cụ thể, rõ ràng, phân công nhiệm vụ của từng bộ phận. Một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn có thể giúp doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh nhanh chóng, mang lại nhiều kết quả mới và tạo ra cơ hội để doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.
- Ứng dụng công nghệ mới, số hóa các data, tài liệu và quy trình
Việc áp dụng công nghệ mới trong kỷ nguyên 4.0 đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp. Áp dụng những công cụ và phần mềm công nghệ mới như Big Data, Internet sẽ giúp thay đổi được những phương thức điều hành, quy trình làm việc trở nên hiện đại và chính xác hơn. Đồng thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nguồn nhân lực.
- Đào tạo đội ngũ nhân lực chuyển đổi số
Để toàn bộ nhân viên trong tổ chức hiểu rằng chuyển đổi số là hoạt động quan trọng thì nhà lãnh đạo cần làm rõ chuyển đổi số là một chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch đào tạo cụ thể để hệ thống nhân sự các cấp thay đổi từ tư duy đến năng lực, đặc biệt là phải trang bị các Kỹ năng số cần thiết để vận hành hệ thống sau chuyển đổi.
Đào tạo nhóm nhân sự nội bộ: Doanh nghiệp cần tiến hành đào tạo về việc ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn và tư duy cởi mở, sẵn sàng thay đổi tiếp thu cái mới. Bằng cách này, theo thời gian doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển chuyên môn nội bộ và liên tục phát triển hơn nữa.
Tuyển dụng người phù hợp: Trong lĩnh vực số hóa, nhiều doanh nghiệp sẽ cần tiến hành tuyển dụng hoặc thuê những người có chuyên môn về nghiên cứu, tìm hiểu và ứng dụng các công nghệ mới. Lúc này, khi có được một nhóm nhân sự mới có chuyên môn, thích ứng nhanh và mong muốn học hỏi những điều mới sẽ là cơ hội để doanh nghiệp có thể đột phá và thành công trong chuyển đổi số.
- Đánh giá và cải thiện lại quy trình
Khi mọi thứ đã được số hóa, giải pháp công nghệ sẽ giúp xây dựng hệ thống báo cáo tự động ở mọi lĩnh vực (nhân sự, marketing, bán hàng,…). Các cấp lãnh đạo doanh nghiệp sẽ dễ dàng nắm được số liệu đầy đủ của từng phòng ban, bộ phận, thậm chí là từng nhân viên, giúp nâng cao hiệu suất, đưa doanh nghiệp phát triển đúng hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ