10 startup Việt huy động được nhiều vốn đầu tư nhất năm 2020
adminquantri
0 Bình luận
26/01/2021
Đối với thế giới, năm 2020 được đánh giá là năm kinh tế buồn và gặp rất nhiều những khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều các doanh nghiệp cũng đã xây dựng được chiến lược huy động được nhiều vốn đầu tư vào doanh nghiệp của mình để tạo tiền đề đề đột phá kinh doanh. Trong số đó phải nhắc đến 10 startup Việt huy động được nhiều vốn đầu tư nhất năm 2020 điển hình sau:
Công ty Nhân sự Siêu Việt
Tháng 2 năm nay, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) – đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Công ty cho biết sẽ dùng khoản đầu tư này để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.
Sáng lập viên Siêu Việt gồm ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT STI – đơn vị đầu tư vào chuỗi cửa hàng tóc nam 30Shine, Anycar, 24h.com.vn… và ông Xuân Minh – Giám đốc Siêu Việt. Hiện ông Tâm cũng là Chủ tịch HĐQT Siêu Việt. Thương vụ này là khoản đầu tư thứ 5 của Affirma Capital tại Việt Nam kể từ năm 2014, sau N Kid Corporation, Online Mobile, Tập đoàn Lộc Trời và Golden Gate.
Propzy: 25 triệu USD
Tháng 6, Propzy – startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) tại Việt Nam – công bố gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A. Dẫn đầu vòng rót vốn này là Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia – quỹ chuyên đầu tư vào startup châu Á giai đoạn đầu của tập đoàn Nhật Bản SoftBank. Các nhà đầu tư khác bao gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.
Ra đời năm 2016, công nghệ của Propzy tham gia vào mọi giai đoạn của một giao dịch bất động sản, từ các trung tâm giao dịch truyền thống đến nền tảng giao dịch trực tuyến, các sản phẩm tài chính như cho vay thế chấp và cuối cùng là phần mềm doanh nghiệp của người quản lý và thuê nhà.
OnPoint: 8 triệu USD
Tháng 4, OnPoint – nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử Việt Nam công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Quỹ đầu tư Kiwoom của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (DAIWA-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P). Đến nay, tổng số vốn OnPoint huy động được đã lên mức 8 chữ số.
Với nguồn vốn mới, startup này dự kiến tuyển dụng thêm nhân sự, đầu tư phát triển các công nghệ mang tính chiến lược và phát triển năng lực phân tích dữ liệu nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Beta Media: 8 triệu USD
Giữa tháng 6, Beta Media công bố thoả thuận góp vốn trị giá 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Nhật Bản – Daiwa PI Partners. Với thỏa thuận này, công ty được định giá 1.000 tỷ đồng. Beta Media là công ty vận hành chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas, với 14 cụm rạp trên toàn quốc. Với số vốn mới, Beta Media sẽ mở thêm nhiều cụm rạp trong những năm tới, đồng thời phát triển mô hình franchise – nhượng quyền thương hiệu rạp chiếu tại các địa phương để mở rộng nhanh hơn.
Vntrip: 7 triệu USD
Tháng 10, Vntrip cho biết công ty đã gọi thành công 7 triệu USD trong vòng huy động vốn mở rộng Series B. Thông tin được ông Lê Đắc Lâm, đồng sáng lập kiêm CEO chia sẻ với Tech in Asia. Tuy nhiên, đại diện của startup du lịch này không đề cập cụ thể tên nhà đầu tư.
Với vòng gọi vốn mới, Vntrip đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD. Các nhà đầu tư vòng trước đó bao gồm: John Wu, cựu giám đốc công nghệ của Alibaba Group, Hendale Capital có trụ sở tại Hong Kong; công ty đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding và những nhà đầu tư khác.
F88: 6 triệu USD
Cũng trong tháng 6, F88 – chuỗi cho vay cầm cố tài sản tại Việt Nam, thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng (6 triệu USD) trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ ba từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá gần 2.100 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.
Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88, cho biết: “Khoản đầu tư mới từ 2 cổ đông chiến lược sẽ được sử dụng cho việc mở rộng chuỗi phòng giao dịch của F88 cũng như việc tăng dư nợ cho vay trên 180 phòng giao dịch hiện có”.
Okxe Việt Nam: 5,5 triệu USD
Hồi tháng 8, nền tảng mua bán xe máy cũ Okxe Việt Nam thông báo huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài. Okxe Việt Nam cho biết, trong vòng gọi vốn này công ty nhận được sự quan tâm từ 6 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, bao gồm IMM Investment Corp và KB Investment.
Riviu: 3,6 triệu USD
Tháng 9 vừa qua, Riviu – startup đánh giá ẩm thực Việt Nam công bố nhận vốn 3,6 triệu USD từ nhà đầu tư ngoại (không tiết lộ cụ thể). Được thành lập vào năm 2019, Riviu khởi đầu giống như một nhóm Facebook, sau đó có thêm trang web và ứng dụng di động. Mô hình kinh doanh của startup này có nhiều điểm tương đồng với Meituan-Dianping, công ty Trung Quốc chuyên về đánh giá nhà hàng, khách sạn, và dịch vụ.
BuyMed: 2,5 triệu USD
Cuối tháng 4, BuyMed – một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến (thuocsi.vn) công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD trong vòng tiền Series A. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures.
JobHopin Giá trị đầu tư: 2,45 triệu USD
Tháng 5, startup tuyển dụng ứng dụng AI và máy học JobHopin của Việt Nam công bố gọi vốn thành công 2,45 triệu USD trong vòng Series A, nâng tổng số tiền huy động được lên hơn 3 triệu USD. Năm 2018, startup này từng được đầu tư 710.000 USD trong vòng hạt giống.
Các nhà đầu tư rót vốn cho JobHopin qua 2 vòng bao gồm Sema Translink, KK Fund, Mynavi Corporation, Edulab Capital Partners, NKC Asia, Canaan Capital và một số nhà đầu tư thiên thần của Việt Nam. JobHopin do Kevin Tùng Nguyễn – 9X từng lọt Top 30 under 30 của Forbes châu Á năm 2019 – sáng lập năm 2017 và đảm nhiệm vị trí CEO.
Chia sẻ