6 tiêu thức phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp
adminquantri
0 Bình luận
20/07/2022
Phân loại tài sản cố định (tài sản cố định) là hình thức phân chia toàn bộ tài sản cố định trong doanh nghiệp theo các tiêu thức nhằm giúp cho lãnh đạo quản lý được tình hình tài sản cố định của doanh nghiệp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tài sản cố định. Trong bài viết này, Verco sẽ chia sẻ với các bạn 6 tiêu thức phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp.
Phân loại theo hình thái của các loại tài sản cố định
Theo hình thức này, tài sản cố định của doanh nghiệp sẽ có 2 loại:
– Tài sản cố định hữu hình: Bao gồm những loại tài sản có hình thái hiện vật cụ thể, có thể nhìn thấy như: nhà cửa, máy móc thiết bị, công cụ làm việc…
– Tài sản cố định vô hình: Bao gồm những tài sản được thể hiện dưới hình thái vật chất, thể hiện giá trị vật chất đã được đầu tư có liên quan trực tiếp đến nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí thành lập, chi phí đầu tư & phát triển, bằng sáng chế – phát minh, nhãn hiệu, thương mại…
Đây là tiêu thức phân loại đơn giản nhất để đánh giá cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp vào tài sản cố định hữu hình và vô hình. Từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp hoặc điều chỉnh hướng đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn một cách hiệu quả nhất.
Tiêu thức phân loại theo công dụng kinh tế
Theo tiêu thức phân loại theo công dụng kinh tế của tài sản, tài sản cố định sẽ được chia thành 2 loại:
– Tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh (SXKD): Bao gồm những tài sản cố định hữu hình và vô hình tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: nhà xưởng – văn phòng, thiết bị trang trí, thiết bị truyền dẫn, máy móc thiết bị sản xuất, phương tiện vận chuyển và một số tài sản cố định dạng vô hình khác.
– Tài sản cố định dùng ngoài hoạt động SXKD: gồm những tài sản được sử dụng nhằm phục vụ các hoạt động phúc lợi công cộng, không phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh như: nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, phục vụ hoạt động thể dục thể thao,… hay các công trình phục vụ hoạt động giải trí, phúc lợi dành cho cán bộ nhân viên,.. mang tính cộng đồng.
Cách phân loại này giúp cho người quản lý nắm rõ kết cấu tài sản cố định và tác dụng của các loại tài sản cố định trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, sử dụng tài sản cố định và tính toán khấu hao chính xác.
Phân loại theo tình hình sử dụng
Tài sản cố định của doanh nghiệp được chia thành 3 loại:
– Tài sản cố định đang sử dụng là những tài sản cố định đang sử dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp như hoạt động phúc lợi, sự nghiệp, an ninh quốc phòng.
– Tài sản cố định chưa cần dùng là những tài sản cố định cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp, song hiện tại chưa cần dùng, đang được dự trữ để sử dụng sau này.
– Tài sản cố định không cần dùng và chờ thanh lý là những tài sản cố định không cần thiết hay không phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần được thanh lý, nhượng bán để thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra ban đầu.
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy mức độ sử dụng có hiệu quả các tài sản cố định của doanh nghiệp như thế nào, từ đó có biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng của chúng.
Phân loại theo mục đích sử dụng
Theo tiêu thức phân loại này, tài sản cố định của doanh nghiệp được chia thành 3 loại sau đây:
– Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh: là những tài sản cố định vô hình hay tài sản cố định hữu hình trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm: quyền sử dụng đất, chi phí thành lập doanh nghiệp, vị trí cửa hàng, nhãn hiệu sản phẩm,… nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, thiết bị, dụng cụ quản lý, vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và (hoặc) cho sản phẩm, các loại tài sản cố định khác chưa liệt kê vào 5 loại trên như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật…
– Tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng.
– Tài sản cố định bảo quản hộ, cất giữ cho nhà nước, cho các doanh nghiệp khác.
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy được cơ cấu tài sản cố định theo mục đích sử dụng của nó, từ đó có biện pháp quản lý tài sản cố định theo mục đích sử dụng sao cho có hiệu quả nhất.
Phân loại theo quyền sở hữu
Căn cứ vào tình hình sở hữu có thể chia tài sản cố định thành 2 loại:
– Tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.
– Tài sản cố định đi thuê: gồm những tài sản không thuộc quyền chủ sở hữu của doanh nghiệp:
+ Tài sản cố định thuê hoạt động, được phép sử dụng trong 1 thời gian nhất định theo hợp đồng và phải hoàn trả lại sau khi hợp đồng kết thúc. Đối với loại tài sản này,, doanh nghiệp không tiến hành trích khấu hao, chi phí thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
+ Tài sản cố định thuê tài chính là những tài sản cố định doanh nghiệp thuê công ty tài chính, nếu hợp đồng thuê thỏa mãn ít nhất 1 trong 4 điều kiện sau đây:
- Khi kết thúc thời hạn cho thuê hợp đồng, bên thuê được quyền sở hữu tài sản thuê hoặc được tiếp tục thuê theo sự thỏa thuận của 2 bên.
- Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua tài sản thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm mua lại.
- Thời hạn cho thuê tài sản ít nhất phải bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê.
- Tổng số tiền thuê tài sản ít nhất phải tương đương với giá của tài sản đó trên thị trường vào thời điểm ký hợp đồng.
Cách phân loại này giúp cho nhà quản lý thấy kết cấu tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch khai thác có hiệu của các loại tài sản cố định của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đồng vốn.
Phân loại theo nguồn hình thành
Căn cứ vào nguồn hình thành, tài sản cố định của doanh nghiệp được chia thành 2 loại:
– Tài sản cố định hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu
– Tài sản cố định hình thành từ các khoản nợ phải trả
Cách phân loại này giúp người quản lý thấy được tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào, từ đó có biện pháp theo dõi, quản lý và sử dụng tài sản cố định sao cho có hiệu quả nhất.
Nắm được chi tiết về cách thức phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp cũng là một phần quan trọng trong Phương pháp định giá và xây dựng chiến lược vốn doanh nghiệp hiệu quả. Để giúp chủ doanh nghiệp, lãnh đạo hiểu hơn về những vấn đề này và sử dụng nguồn vốn tối ưu, Công ty Verco đã phối hợp cùng Chuyên gia tài chính Nguyễn Kim Hùng đã tổ chức khóa huấn luyện: Chiến lược nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp:
- Xây dựng được cấu trúc vốn doanh nghiệp bài bản ngay sau khóa học
- Chiến lược huy động vốn đa kênh
- Nắm bắt cách thức đầu tư tài sản hiệu quả
- Tối ưu chi phí sử dụng vốn.
Chi tiết về khóa huấn luyện, các bạn tìm hiểu tại: http://huanluyendoanhnghiep.e-school.vn/vondoanhnghiep hoặc liên hệ đến công ty Verco để được hỗ trợ
Chia sẻ